Tiểu sử Trần_Hữu_Thường

Trần Hữu Thường là người ở làng Phú Thuận, tổng An Thành, quận Tân Châu, tỉnh An Giang. Sau năm 1956, xã này được sáp nhập vào quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Kiến Phong (ngày nay là xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).

Theo dân gian kể, thì ông là người có vóc dáng cao lớn, vạm vỡ, da ngâm, râu rậm; nhưng tâm tính thật đôn hậu, trọng nghĩa tình, yêu chuộng cuộc sống nhàn tản, đạm bạc...

Là học trò của huấn đạo Nguyễn Văn Khuê[1] Trần Hữu Thường đỗ tú tài dưới vua Tự Đức năm 1864 tại trường thi[2] tỉnh An Giang, cùng một lượt với nhà thơ Nhiêu Tâm.

Khi chiếm xong Nam Kỳ vào năm 1867, biết ông là bậc cao sĩ, nhà cầm quyền Pháp đã mấy lần mời ông ra hợp tác, hứa ban cho cả chức "tri huyện danh dự", nhưng trước sau ông vẫn khéo từ chối.

Ông nổi tiếng là thầy dạy giỏi, nên học trò nhiều nơi tìm đến xin học rất đông. Trong số ấy, có Nguyễn Quang Diêu (sau là nhà thơ và là nhà chính trị có tiếng trong phong trào Đông Du), Nguyễn Chánh Sắt (sau là nhà văn, nhà báo tiền phong của Nam Kỳ), Nguyễn Văn Nghị (sau trở thành nhà giáo có tiếng tại Cao Lãnh), Nguyễn Nhật Tảo (là một học trò giỏi, sau vì sinh kế, chuyển cư lên Lò Veng thuộc Campuchia, vừa mở trường dạy chữ Hán vừa hành nghề đông y)...

Trần Hữu Thường có bảy người con: ba trai, bốn gái. Tất cả đều giỏi chữ Hán, nhưng nổi trội hơn cả là Trần Tứ Duy, bút hiệu Trần Thiện Chánh, người mà Mã Tương Hồn, một nho sĩ bên Trung Quốc, nghe tiếng tìm đến thử tài, rồi rất mến phục [3].

Năm Tân Dậu (1921), Trần Hữu Thường mất vì bệnh già, hưởng thọ 77 tuổi. Mộ phần của ông hiện vẫn còn tại quê nhà.